Du Xuân Năm Chuột - Tới Thành Phố Mèo Malaysia - Kuching.


Kuching - thủ phủ của bang tự trị Sarawak - Malaysia và tọa lạc bên bờ sông Sarawak cùng tên.



1. Xuất Xứ Tên Gọi Kuching. 🐱

Cái tên Kuching được cho là bắt nguồn từ chữ “Kucing” của Malay, có nghĩa là “mèo”. Tuy nhiên, cũng có giả thiết cho rằng cái tên này xuất phát từ chữ “cảng” Trung Quốc, phát âm là “cochin”, đi đôi với cái tên mata kucing (mắt mèo) của người Malaysia khi gọi tên cho trái nhãn, một sản phẩm thương mại của địa phương.
Cũng có một giai thoại khác lý giải về cái tên Kuching. Liên quan đến những người Hoa di cư đến đây từ thế kỷ 17. Chữ Ku nghĩa là Cũ, Ching nghĩa là Giếng. Ý nói đến một cái giếng cũ mà ngày xưa là nơi cung cấp nước chính trong khu vực. Giếng này hiện tại nằm ở khu phố Tàu ở Kuching.




Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chuẩn xác về xuất xứ của tên gọi đó. Và tôi nghĩ điều này cũng không còn quá quan trọng nữa. Bởi có một thực tế đã có từ lâu đó là hầu như nhà nào cũng nuôi mèo. Với quan niệm con vật này sẽ mang lại điều may mắn, mèo trở thành linh vật biểu trưng của nơi đây.

2. Khái Lược Về Lịch Sử Của Kuching

Bang Sarawak thuộc phần lãnh thổ đảo Borneo. Thuở sơ khai vùng đất này thuộc sự cai quản của tiểu vương Brunei. Vào khoảng đầu thế kỷ 19 vùng đất này liên tục bị cướp biển và các nhóm thổ dân quấy phá. Năm1938 con tàu thám hiểm với những khẩu đại pháo thần công của James Booke người Anh cập bến đảo Borneo. Ông nhận lời đề nghị giúp tiểu vương dẹp yên những cuộc nổi loạn và đổi lấy quyền cai quản một phần lãnh thổ đảo Borneo. James Booke cai quản tiểu quốc của mình và đóng đô tại Kuching. Ông tiếp tục mua thêm đất, mở rộng vùng lãnh thổ trên đảo Borneo. Sau hơn 100 năm cai trị, dòng tộc Brooke quyết định trao tặng lại vùng đất cho Hoàng Gia Anh. (Lúc bấy giờ Hoàng Gia Anh đã nắm trong tay phần lãnh thổ bán đảo Mã Lai). Từ năm 1955, Anh quyết định trao trả độc lập cho Malaysia. Năm 1962 liên bang Malaysia ra đời và Sarawak chính thức thuộc phần lãnh thổ của Malaysia.

3. Người Hoa Tại Kuching.




Theo những thông tin tôi tìm hiểu được tại bảo tàng người Hoa ở Kuching (bảo tàng nhỏ nằm bên bờ sông Sarawak) thì người Hoa đã di cư tới đây từ rất sớm. Vào khoảng thế kỷ 17. Họ đi thuyền từ đại lục tới Singapore, rồi từ Singapore tới Sarawak. Cộng đồng người Hoa tại kuching khá đông. Biển hiệu bằng chữ Trung Quốc phổ biến khắp nơi, trên nhiều con phố. Ẩm thực Trung Hoa khá phổ biến tại Ku Ching. Nếu là người Châu Á, thì khi bước vào một quán người Hoa bất kỳ thì họ sẽ hỏi bạn bằng tiếng Hoa. Tôi đã kiểm chứng điều này tại 3 nhà hàng ở Kuching. Đi dạo trên những con phố taji Kuching đôi khi tôi phải tự hỏi lại bản thân: “ủa, mình đang ở Malay hay Trung Quốc đây nhi?” Một đô thị nhỏ bên bờ sông nhưng mang nhiều hơi hướng của người Hoa. Cùng là sự pha trộn của nhiều nền văn hoá, nhiều sắc tộc nhưng vùng đô thị nằm bên bờ sông Sarawak này đem đến cho tôi những xúc cảm rất khác so với những đô thị như Kuala Lumpur, Malacca đã quá quen thuộc và phổ biến với mọi người.

4. Mèo ở Kuching.🐱

Nói dài dòng một hồi, giờ mới nói tới nhân vật chính. Tại Kuching tượng mèo hiện diện trên nhiều góc phố, quảng trường với những thần thái khác nhau và sống động đến kinh ngạc. Tôi thường nói vui về mấy bức tượng mèo: “mèo ở đây bình thừờng rất chảnh, nhưng trước ống kính là chúng nó làm dáng được ngay”








Tại sao linh vật của nơi này là mèo chứ không phải một loài động vậy khác không? Lý giải cho điều này, bắt nguồn từ một sự kiện vào năm 1950, chính quyền sử dụng hóa chất diệt muỗi và chuột mang mầm bệnh dịch hạch, sốt rét. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nên không quân Hoàng gia Anh thực hiện đặc vụ "Operation Cat Drop": thả 14.000 con mèo vào vùng này. Từ đó, hình ảnh mèo càng ăn sâu vào cuộc sống người dân Kuching. Mèo được cung phụng như một vị thần giám hộ đem tới những điều bình an tốt lành cho thành phố.

Chắc hẳn bạn cũng sẽ thắc mắc tại sao nhà nào cũng nuôi mèo mà sao cả bộ ảnh của tôi không hề có con mèo “real” nào đúng không? Thực tế đi dạo trên đường tôi có bắt gặp một vài “em” mèo, nhưng chúng nó chạy quá nhanh và không chịu hợp tác trước ống kính như mấy bạn “mèo tượng” nên tôi chẳng chụp nổi kiểu nào về “nhân vật chính”. Qua điều tra thì tôi cũng biết được một phần nguyên nhân của sự việc “mèo ít ra ngoài” cũng do đang có dịch Corona nên người ta hạn chế thả rông động vật. Nếu ngắm mấy bức tượng mèo chưa thoả thì tại Kuching có nguyên một bảo tàng mèo để bạn khám phá và cũng có một số quán cafe mèo nữa.

5. Vấn đề thị thực.

Vấn đề này có khá nhiều bạn đang thắc mắc và hiện nay có khá nhiều luồng thông tin về việc người Việt tới Bang Sarawak phải xin V i s a. Tôi đính chính là được miễn nhé. Vì là bang tự trị nên theo quy định của bang, khi nhập cảnh bạn sẽ được đóng dấu thị thực riêng của Sarawak.

Ban đầu khi rõ thông tin này tôi cũng khá quan ngại. Sau một lần inbox hỏi chị Đinh Hằng (tác giả cuốn sách “Chân Đi Không Mỏi” - tôi biết tới Kuching và bắt đầu có nguồn cảm hứng về nơi này là từ khi đọc sách của chị Hằng). Nhận được câu trả lời của chị Hằng: “người Việt được miễn v i s a khi tới Sarawak em nhé” . Vậy là an tâm, cũng chỉ chờ có vậy. Không ngần ngại, tôi book vé đi Kuching tranh thủ qua đó 1 ngày, kết hợp với chuyến quay lại Singapore vào dịp tết vừa rồi.

Kể sơ qua về chuyện nhập cảnh Kuching. Do chuyến này tôi đi đúng thời điểm dịch bệnh viêm phổi Corona hoành hành nên trên chuyến bay từ Singapore tới Kuching tiếp viên có phát cho tôi một tờ khai nhập cảnh (thông thường tới Malaysia sẽ không cần điền tờ khai, có lẽ đây là bang tự trị nên sẽ hơi khác) và trên tờ khai ngoài những thông tin cơ bản ra thì còn mục kiểm dịch y tế (nếu bạn có triệu chứng bệnh nào thì tích vào ô tương ứng nhé, còn nếu khoẻ mạnh thì bỏ qua mục này). Khi xuống tới sân bay sẽ có nhân viên sân bay đo thân nhiệt và ghi vào mục kiểm dịch cho bạn. Khách Trung Quốc sẽ nhập cảnh một khu riêng biệt. Cả chuyến bay có lẽ có nhất tôi là người Việt, và có lẽ cũng có rất ít người Việt tới Sarawak nên nhân viên hải quan khi cầm cuốn hộ chiếu xanh của tôi còn quay sang hỏi đồng nghiệp kế bên “Người Việt Nam bay từ Singapore qua vẫn được nhập cảnh đúng không?” Lúc này mình cũng hơi bất an, nhưng nhớ tới cuộc nói chuyện với chị Đinh Hằng thì chắc ổn thôi. Và cô nhân viên hải quan kế bên trả lời “đúng vẫn được nhập cảnh”. Phù!!! Nhẹ cả người. Vậy là ngày nắng đẹp khám phá thành phố mèo đang chờ tôi phía trước. Bắt chuyến grab từ sân bay tới trung tâm Kuching, qua ô kính bất chợt có tấm biển hiệu “Lê Sài Gòn“ chạy vụt qua ánh nhìn của tôi. À, thì ra trên vùng đất kỳ lạ này vẫn có nhịp thở của người Việt. Tôi không phải là người Việt duy nhất đang hiện hữu tại nơi đây. (Nếu có dịp tới và có đủ thời gian bạn có thể ghé thăm quán ăn người Việt này nhé)

6. Xuôi Dòng Sarawak.

Một điểm đến mới lạ với tôi và lần này cũng sẽ trải nghiệm rất khác so với những chuyến đi trước. Kế hoạch lần này là “không có kế hoạch gì cả”. Tới khu phố Tàu Kuching, con sông Sarawak hiện diện ngay trước mắt. Con sông là chứng nhân lịch sử chứng kiến biết bao thăng trầm của thành phố. Tôi bắt đầu thả bộ dọc bờ sông, khám phá từng nhịp thở của thành phố.

















Nói qua về việc di chuyển tại Kuching. Bạn có thể thuê xe máy, xe đạp, đi xe “căng hải” nếu tham quan những điểm gần như tôi, hoặc bạn có thể bắt taxi, grab cũng khá rẻ và phổ biến tại Kuching.
Tôi dạo bước trên con đường lát gạch bên bờ sông. Một bên bờ là những mái nhà rêu phong, đan xen với những ngôi nhà cao tầng và phía bên kia bờ sông là nhà hội đồng lập pháp của bang Sarawak. Từ phía bên này bờ sông qua tới phía bên kia toà nhà là những nhịp cầu cong cong, uốn lượn xoắn ốc. Nơi đây trở thành khuôn viên sinh hoạt chung, với nhiều hoạt động của người dân bản địa.

Ngay chân cây cầu là toà nhà Square tower màu trắng. Được xây dựng vào năm 1879, từng là một pháo đài, sau đó sử dụng làm nhà tù rồi tiếp tục trở thành nơi cách ly của những bệnh nhân tâm thần. Giờ đây toà nhà mang một diện mạo mới là một nhà hàng, với nhiều món ăn truyền thống.
Dọc theo khuôn viên bờ sông là nhà thờ hồi giáo Kuching với mái vòm màu xanh ngọc bích.











Phía bên kia con đường là toà nhà cổ Courthouses với kiến trúc độc đáo và bên trong là một thư viện với nhiều tác phẩm nghệ thuật.


Gần toà nhà là giếng cổ với những bức tượng mèo trấn giữ, trên tay “thần mèo” là lá cờ “Bang Kỳ” của Sarawak.

Tôi dạo bước tới khu phố Ấn Indian Mosque lane. Con phố rực rỡ sắc màu với những bộ trang phục truyền thống Ấn Độ lấp lánh đầy kim sa, những ô kính lục giác nhiều màu đan xen như tổ ong. Và tất nhiên quanh khu phố người Ấn sẽ có khá nhiều nhà thờ Hồi giáo để khám phá.










Rời khu tiểu Ấn, đi tắt qua khuôn viên toà nhà cổ Courthouses tôi đi thẳng tới khu phố người Hoa. Vẫn là những mái nhà rêu phong, những mái đình cổ kính, những biển hiệu đặc trưng và những ánh đỏ của đèn lồng. Tại Kuching có khá nhiều ngôi chùa cổ người Hoa, nhưng đáng chú ý nhất là ngôi chùa Tua Pek Kong. Toạ lạc tại giao lộ của những tuyến đường chính, hướng thẳng về phía bờ sông Sarawak. Với địa thế phong thuỷ được đánh giá rất tốt. Ngôi chùa trở thành nơi linh thiêng bậc nhất và được cộng đồng người Hoa hết mực tôn sùng.



Dòng sông Sarawak nặng phù sa vẫn lững lờ trôi và vùng đô thị mang tên Kuching kia cũng thư thả guồng quay như dòng sông uốn lượn qua nó vậy. Tuy chỉ có quỹ thời gian ít ỏi một ngày để hẹn hò với nơi đây, nhưng tôi cảm thấy không cần quá vội vã. Hãy cứ từ tốn bước đi trên những con đường không quá kẹt xe, không nhiều khói bụi. Có những hàng cây xanh mượt trải dài trên những con dốc thoai thoải men theo sườn đồi. Tại Kuching không có quá nhiều khách du lịch, cũng đồng nghĩa với việc sẽ không hề có chuyện mời chào hay có người lẵng nhẵng bám theo bạn để chèo kéo một dịch vụ du lịch nào đó. Rồi khi chạng vạng lại trở về phía bờ sông Sarawak ngắm nhìn những tia nắng cuối cùng, những vệt sáng ửng hồng phía chân trời. Những con thuyền chở du khách bắt đầu cập bến. Toà nhà lập pháp của bang cùng cây cầu xoắn ốc bắt đầu lên đèn. “Tiểu Quốc” của những chú mèo lặng yên dần trong đêm đen.







Kuching - vùng đô thị không lớn, cũng không được biết đến rộng rãi và lại càng không “thần thánh” như “đảo mèo” trong trí tưởng tượng của mọi người. Nhưng ở nơi đó mang những cảm xúc thật lạ lùng và có thể còn nhiều điều kỳ lạ nữa mà tôi chưa khám phá hết. Ở nơi đó không quá ồn ào. Ở nơi đó có sự bình yên. Với tôi thì Kuching dung dị, nhẹ nhàng như mèo ngoan đang nằm sưởi nắng. Nếu còn duyên lần nữa tôi sẽ không ngần ngại mà quay lại chốn này.

Nhận xét