Chiang Mai - một thành phố thuộc miền Tây Bắc Thái Lan. Mình đã có bài viết review khá chi tiết về chuyến đi Chiang Mai - Chiang Rai. Nếu bạn đã đọc review của mình rồi thì cũng đừng vội lướt qua bài viết này nhé. Bài viết là tổng hợp những hiểu biết, những cảm nhận, những tình cảm mình dành trọn cho điểm đến này. Hy vọng những câu chữ mà mình chia sẻ sẽ giúp bạn có thêm những góc nhìn sâu sắc, đa chiều và thêm nguồn cảm hứng để khám phá thành phố được mệnh danh là đóa hồng phương bắc.
Là thành phố quan trọng thứ hai của Thái Lan. Được chọn thay thế Chiang Rai làm kinh đô vương quốc Lanna. Về cơ bản trung tâm thành phố Chiang Mai gồm 2 khu chính phố cổ (old city) và Phố mới (Nimman) Tới Chiang Mai bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh cổng thành cổ kính, những bức tường thành cổ bao quanh hào nước, đây đều là những tàn tích còn sót lại của vương quốc Lanna cổ xưa.
1. Tha Phae Gate
Điểm đến đầu tiên là cổng thành phía đông Tha Phae. Đây chính là ranh giới phân chia khu phố cổ và khu phố mới cũng chính là điểm khởi đầu của đường Tha Phae trung tâm thương mại của Chiang Mai. Trước cổng thành Tha Phae là một quảng trường lớn với vô số hoạt động từ thể thao, thi đấu, đến âm nhạc đường phố. Mọi người có thể gặp gỡ làm quen những người bạn mới hay chơi đùa với những chú chim bồ câu.
Dưới thời Vua Mengrai, Chiang Mai là địa điểm truyền đạo chính của Phật giáo Nguyên thủy. Nhiều đền chùa được xây dựng và vẫn được duy trì, bảo tồn tới tận ngày nay. Tuy không còn được nguyên vẹn, đã hao mòn theo dấu ấn thời gian nhưng những công trình kiến trúc phật giáo vẫn chứa đựng trọn vẹn ý nghĩa lịch sử, văn hóa.
2. Wat Phra Singh.
Một trong những ngôi đền nổi tiếng ở Chiang Mai có thể kể tới đền Wat Phra Singh có nghĩa là “Phật Sư tử”. Do vua Pha Yoo xây dựng năm 1345, làm nơi để di hài của cha ngài, vua Kam Foo. Một vài năm sau đó, toà nhà wihan và một số tịnh xá khác đã được thêm vào vì vậy chùa ngày càng được mở rộng. Chùa có một bức tượng Phật quan trọng mang tên Phra Buddha Sihing. Nguồn gốc của bức tượng thì không ai biết rõ nhưng theo truyền thuyết bức tượng xuất xứ từ Ấn Độ và được đưa về chùa từ năm 1367. Đây là một điểm đến tâm linh mà lữ khách khó lòng bỏ qua khi tới Chiang Mai.
3. Wat Chedi Luang.
Điểm thăm quan tâm linh tiếp theo, cũng là ngôi đền linh thiêng bậc nhất Chiang Mai đó chính là đền Wat Chedi Luang. Khởi công xây dựng năm 1391, nhưng phải tới năm 1475, Wat Chedi Luang mới hoàn tất kiến trúc. Với bề dày lịch sử lâu đời ngôi chùa là kho báu giá trị văn hoá của vương quốc Thái Lan. Tòa tháp trung tâm cao tới 84m thời đó được xem là kiến trúc cao nhất Chiang Mai. Và sau trận động đất năm 1545 thì chùa bị hư hại rất nhiều. Tòa tháp chỉ còn cao 60m. Nhưng tháp vẫn giữ ngôi vị cao nhất Chiang Mai cho đến tận đến thế kỷ XXI khi những tòa cao ốc được xây dựng thì độ cao này mới bị soán ngôi. Trong khuôn viên ngôi đền có một cây dầu cao.
Bên cạnh cây dầu là điện thờ. Người Chiang Mai tin rằng cây dầu cũng như nơi này giữ vai trò trụ cột quyết định sự tồn vong của thành phố Chiang Mai. Nên ai mà làm điều gì đụng chạm hay là kinh động tới nơi này thì sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh của thành phố cho nên người dân Chiang Mai luôn dồn hết tâm huyết, công sức ra để bảo vệ. Bằng chứng là điện thờ phía trong chỉ cho phép đàn ông vào lễ, phụ nữ chỉ được đứng lễ ở phía ngoài. Người ta quan niệm rằng phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt thì sẽ gây ảnh hưởng tới sự linh thiêng và sẽ dẫn tới tai hoạ cho thành phố, đây là một quan niệm xưa cũ nhưng vẫn tồn tại tới ngày nay. Mặc dù được xây dựng từ thế kỷ XIV, cũng hao mòn nhiều theo thời gian nhưng mọi họa tiết, hoa văn của ngôi chùa đều rất hoa mỹ, chỉn chu.
Kiến trúc của ngôi chùa tạo điểm nhấn bởi rất nhiều hình ảnh thần rắn Naga. Đây được xem là linh vật trong phật giáo của người Thái Lan cũng như người Ấn Độ. Họ quan niệm con rắn mang sứ mệnh canh giữ nguồn nước cũng như những nơi linh thiêng. Thông thường ở Ấn độ người ta thường hỏa thiêu và rắc tro cốt xuống sông Hằng, nhưng khi người chết do rắn hổ mang cắn thì người ta sẽ không hỏa táng và chôn cất bình thường vì người ta quan niệm rằng: rắn hổ mang là sứ giả kết nối giữa thần linh và nhân gian, vì vậy xem như người đã khuất đã được siêu thoát. Đó là một quan niệm của phật giáo Ấn độ và Thái Lan.
4. Phrathat Doi Suthep.
Người ta có câu "Chưa đến chùa Phrathat Doi Suthep là chưa đến Chiang Mai" là một trong những ngôi chùa được nhiều người Thái Lan tin sùng. Đây cũng là nơi nhiều tín đồ Phật giáo hành hương trong các ngày lễ lớn. Suốt 600 năm qua, chùa có nhiều thay đổi và được tu sửa nhiều lần. Trước đây để lên được đỉnh núi phải mất 5 giờ qua một con đường hẹp, nhỏ và nhấp nhô được xem là trở ngại lớn nhất để lên được đỉnh chùa. Người ta nói lên đền vào buổi chiều gần tắt nắng là đẹp nhất. Lúc này, ánh nắng chiếu xuống cả thành phố Chiang Mai mờ sương. Toàn cảnh thành phố Chiang Mai ẩn hiện dưới làn mây mỏng. Tháp Chedi lớn nhất nằm khu trung tâm của ngôi đền Wat Prathat được bọc vàng. Đây chính là nơi cất giữ mảnh xương vai của Phật Tổ. Quanh chiếc Chedi này là hai chiếc ô lọng màu đồng bóng. Xung quanh tháp lớn này, những bức tượng phật nhỏ được bố trí bốn phía.
7. Cowboy Farm.
Điểm sống chậm tiếp theo ở Chiang Mai rất đáng để lui tới là Cowboy Farm. Từ quán ăn, nông trại, đồng cỏ tất cả đều mang phong cách rất bụi bặm và ngầu như mấy anh cowboy. Đây là vương quốc của những con cừu được ngụy trang bởi vẻ ngoài dễ thương. Cách trung tâm thành phố Chiang Mai khoảng 10km. Một địa điểm lý tưởng để ngồi cafe, ăn tối uống rượu, nghe nhạc sống, chơi cùng đàn cừu, hay thậm chí là ngắm hoàng hôn cùng những quả khinh khí cầu đa sắc màu. Tại đây vào thứ 4,6, CN hằng tuần sẽ có dịch vụ khinh khí cầu ( trừ những ngày thời tiết xấu và trung tuần tháng 2 sẽ tổ chức lễ hội khinh khí cầu ở Chiang Rai).
8. Yellow Craft.
Quán cafe cuối kết thúc list check in các quán coffee của Chiang Mai đó là yellow craft. Với tông màu chủ đạo vàng và trắng tuy không quá đặc biệt về thiết kế, không gian nhưng những đồ uống và đồ ăn hữu cơ ở đây thì đáng để trải nghiệm.
9. Nóc nhà Thái Lan - đỉnh Inthanon.
Nếu Fansipan là nóc nhà của Việt Nam thì đỉnh Inthanon được mệnh danh là nóc nhà của Thái Lan với độ cao 2.565m. Tọa độ của nóc nhà cách trung tâm thành phố Chiang Mai khoảng 60km. Nằm trong quần thể Vườn quốc gia Doi inthanon rộng 272 km2 với nhiều loại sinh cảnh và hệ động vật đa dạng và đang được bảo tồn. Công viên được đặt theo tên của nhà vua Inthawichayanon, 1 trong những vị vua cuối cùng của Chiang Mai. Ông lo lắng về những khu rừng ở miền bắc và cố gắng bảo tồn chúng. Ông ra lệnh sau khi ông chết, xác ông phải được mai táng tại Doi Luang, nơi này sau đó được đổi tên Doi Inthanon để tưởng nhớ ông.
Núi Inthanon thuộc dãy Thanon Thong Chai, một dãy núi thuộc vùng Cao nguyên Shan,vùng cao nguyên Thái Lan kéo dài về phía nam từ dãy núi Daen Lao. Đường lên núi tuy hơi dài nhưng bằng phẳng nên rất dễ đi. Càng lên cao không khí càng sạch trong và mát mẻ, khi lên đến đỉnh núi thì không còn mát mẻ nữa mà là rất lạnh. Nhiệt độ khi lên tới đỉnh núi chỉ khoảng 14,15 độ C, bạn nào nào thời tiết Thái Lan chỉ có hai mùa nóng và cực nóng thì khi lên tới đây có thể xem xét lại. Điểm nổi bật nhất của Doi Inthanon chính là thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Từ độ cao 2500m bạn sẽ chỉ nhìn thấy một màu xanh trải dài khắp mọi nơi: từ màu xanh của cánh rừng nguyên sinh, màu của những thác nước xanh tung bọt trắng một vùng, đến màu xanh của bầu trời bao la, bát ngát. Và cũng chính sắc xanh này sẽ đưa bạn lạc vào thế giới diệu kỳ của thiên nhiên và núi rừng Chiang Mai. Không chỉ dừng lại ở đó, Công viên quốc gia Doi Inthanon còn cho bạn thấy nét đẹp đặc sắc trong nền văn hóa của xứ sở chùa Vàng. Hai ngọn tháp lớn trên đỉnh núi sẽ là minh chứng hùng hồn nhất cho bản sắc văn hóa người Thái. Từ tổng quan cho đến chi tiết, hai ngọn tháp này xứng đáng là hai viên ngọc giữa quần thể núi rừng Doi Inthanon. Bạn sẽ không thể ngừng thốt lên đầy ngạc nhiên và thán phục khi bước đi trong khuôn viên nơi đây bởi toàn bộ cảnh quan này cho thấy sự tài hoa, khéo léo và sáng tạo của những con người có tâm luôn hướng phật.
Tham quan nơi này vào khoảng thời điểm giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 hằng năm bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh anh đào phớt hồng nhẹ bay trong gió.
10. Chiang Rai - Đền Xanh - Nhà Đen - Chùa Trắng.
Đã tới Chiang Mai thì rất nên kết hợp tham quan Chiang Rai - một tỉnh Bắc Thái cách Chiang Mai khoảng 200km. Điểm đến này nổi bật với những tuyệt phẩm kiến trúc phật giáo.
Có thể kể đến trước tiên là Đền Xanh – Wat Rong Suea Ten. Vào tháng 10 năm 2005, một ngôi làng nhỏ ở Chiang Rai đã lên kế hoạch xây dựng một ngôi đền xanh dát vàng đặc biệt, lấy cảm hứng từ Phật Pháp truyền thống. Ngôi đền được Phuttha Kabkaew, một học sinh của Chaloemchai Kositpipat - người đã tạo dựng nên Đền Trắng - thiết kế và cải tạo. Tọa lạc tại Rim Kok, một tiểu khu của Chiang Rai và được đặt tên theo ngôi làng của những người dân đã xây dựng nên các bức tường và trần nhà được sơn màu xanh thẫm, tượng trưng cho những lời dạy của Đức Phật. Những bức bích họa tuyệt đẹp miêu tả những câu chuyện của Phật… tất cả không gian nơi đây, khiến cho các lữ khách đã từng đến đây đều phải mê mệt, chẳng muốn rời.
Tạm chia tay với Đền Xanh, siêu phẩm tiếp theo được bao trùm không gian bởi màu đen đặc trưng. Nghe hơi rùng rợn nhưng có thực sự đáng sợ đến vậy. Nơi này mang tên nhà đen. Đây là một khuôn viên bao gồm 40 ngôi nhà đen được làm từ gỗ, gạch, bê tông và đất nung. Cả thảy 40 ngôi nhà đều nằm rải rác trong khuôn viên rộng lớn với nhiều cây trồng thoáng mát. Tạo nên một bầu không khí vừa yên bình lại có chút huyền bí gây sự tò mò cho không ít du khách.Khu nhà có tên gọi là Ban Đăm do chính tay nghệ nhân quốc gia Thawan Duchanee của Thái Lan xây dựng dựa trên ý tưởng về cái chết, về thế giới bên kia sự sống được xây dựng từ cuối thế kỷ 20 bởi nghệ nhân dân tộc Thawan Duchanee. Không chỉ chứa đựng những triết lý, nhân sinh quan về cái chết, đây còn có thể được xem là nơi để kể cho thế hệ sau về sự tài hoa, độc đáo trong nghệ thuật của người xưa, được Thawan Duchanee bảo tồn trong một quần thể khổng lồ các kiến trúc khác nhau.
Với mong muốn giữ gìn và truyền bá tài hoa của người xưa, ông đã sưu tầm và trưng bày ở nơi đây từ những tác phẩm nghệ thuật cổ đến những nông cụ, vật dụng được người dân xưa sử dụng. Tại đây cũng trưng bày những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ do ông sáng tác hoặc sưu tầm. Những tác phẩm đặc sắc nhất tại khu nhà đen này có lẽ chính là những tác phẩm tạo nên từ xương và da động vật. Cũng chính vì điều này mà người ta ví nơi đây là địa ngục. Những chiếc đầu trâu bình thường được xử lý bóng loáng ghép thành bàn ghế. Dưới gầm một nhà sàn, trưng bày nguyên một bộ xương voi. Trong một căn nhà khác, toàn bộ đồ nội thất được làm từ xương, sọ động vật. Không có bất cứ lời chú giải nào cho những tác phẩm tại đây. Mỗi căn nhà đều mang lại cho người xem một sự bất ngờ qua kiến trúc, nghệ thuật sắp đặt và những thứ trưng bày. Những ngôi nhà đa số mang nét kiến trúc đặc trưng tiêu biểu của nhà sàn Thái Lan, trong đó còn có những kiểu nhà cổ xưa lấy cảm hứng từ thế kỉ trước khi mà Chiang Rai được chọn làm kinh đô. nếu bạn yêu mến những công trình kiến trúc cổ xưa cùng những bộ sưu tập có một không hai hãy đến thăm ngôi nhà đen kì bí.
Tuyệt phẩm cuối cùng của cố đô Chiang Rai cũng là điểm nhấn của hành trình đó là Chùa Trắng - Wat Rong Khun. Thật sự khó có từ ngữ nào có thể dùng để gợi tả vẻ đẹp của công trình kiến trúc độc đáo này. Được bao phủ lên một màu trắng với nhiều họa tiết tỉ mỉ, những viên đá lấp lánh trong nắng. là một đại diện cho sự thông tuệ, tinh khiết của Phật Giáo. Nếu như nhà Đen kể về câu chuyện của cái chết, thì chùa Trắng lại là nơi những linh hồn lưu lạc tìm lại đường lên thiên đường.
Chùa Wat Rong Khun được tiến hành xây dựng từ năm 1997 xuất phát từ ý tưởng của một họa sĩ đồng thời là kiến trúc sư nổi tiếng ở Thái – Chalermchai Kositpipat. Bản thân ông sống và đam mê với nghệ thuật và cũng là một tín đồ Phật tử nên rất mong muốn xây dựng một ngôi chùa chỉ toàn có màu trắng để tượng trưng cho sự tinh khiết của Đức Phật. Cho đến ngày nay nơi đây vẫn chưa được hoàn thiện toàn bộ bởi ông muốn tạo nên một quần thể gồm 9 công trình chính, theo tính toán của ông thì nếu bản thân lao động chăm chỉ và cật lực thì phải mất đến thời gian từ 60-90 năm để hoàn thành được hết các công trình, trong khi đó ông hiện tại đã hơn 60 tuổi. Chính vì điều đó ông đã cho phép 5 sinh viên xuất sắc nhất của mình giúp đỡ để có thể hoàn thiện kịp thời ngôi chùa trước lúc ông xa lìa thế giới.
Bao quanh ngôi chùa chính là một công viên có hồ cá và những tác phẩm điêu khắc màu trắng. Mỗi bức tượng là một sinh vật huyền thoại có ý nghĩa nhất định. Trước khi bước vào chính điện, chúng ta phải băng qua cây cầu vắt ngang địa ngục, bỏ rơi lại những khổ ải đằng sau để tiến đến thiên đường. Bên trong chính điện, chúng ta sẽ càng kinh ngạc hơn bởi một bức tranh khổng lồ bao phủ bốn tường về nhà Phật, về luân hồi, về sinh lão bệnh tử được diễn đạt bằng ngôn ngữ hoà quyện giữa tinh thần hiện đại và nghệ thuật Phật giáo. Tiếc rằng bên trong chính điện, du khách không được phép chụp ảnh. Một điểm độc đáo trong khuôn viên ngôi chùa Trắng nổi tiếng này là lại có một tòa nhà màu vàng rất đẹp mà nếu không được giới thiệu, chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là một công trình kiến trúc đặc biệt. Nhưng đó lại chính là nhà vệ sinh hai tầng màu được chạm trổ khá cầu kỳ với kinh phí xây dựng lên tới 5 triệu baht (150.000 USD).
Nếu một thời điểm nào đó bạn cảm thấy mệt mỏi với đống công việc bộn bề, chán ngán chốn thị thành ngột ngạt thì hãy thử trốn tới Chiang Mai để cân bằng lại nhịp sống, tìm sự bình yên trong tâm hồn. Chắc chắn đó sẽ là một chuyến đi tuyệt vời, lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của thanh xuân.
Một số khoảnh khắc tại Chiang Mai