Những Khu Chợ Đậm Chất Bangkok

Tới Bangkok không chỉ dừng lại ở trải nghiệm tham quan Hoàng Cung và những ngôi chùa linh thiêng. Bangkok được mệnh là thiên đường mua sắm. Cho dù bạn có không phải là tín đồ mua sắm, không có đam mê ẩm thực (như mình) nhưng mình tin chắc rằng hầu bao của bạn vẫn sẽ vơi đi khi lạc lối tại những khu chợ ẩm thực, mua sắm mang đậm chất Bangkok. Nào, mình cùng đi chợ nhé.
1. Chợ nổi Taling Chan


Thường thì những điều thú vị nhất, hay nhất, độc đáo nhất thường sẽ được xuất hiện ở cuối nhưng mình thì hay làm ngược lại. Những thứ mình cảm thấy hay nhất, thích thú nhất mình sẽ ưu tiên xuất hiện trước. Và Taling Chan này là một khu chợ nổi mình khá thích, cũng có thể coi đó là chợ nổi mình thích nhất tại Bangkok. Cách trung tâm Bangkok khoảng 12 km, không quá xa nhưng đủ để bạn thoát khỏi sự hối hả, xô bồ của đô thị Bangkok. Cách di chuyển cũng khá đơn giản, ngồi chuyến tàu điện BTS đến trạm Wongwian Yai rồi bắt grab khoảng 15 phút là tới. Đây chính là điểm mình thích bởi chợ không quá xa, không cần dậy quá sớm để xuất phát như mấy chợ nổi tiếng Damoen Saduak, Amphawa. Tới Tanling Chan bạn cứ thong thả rồi hãy đi và cũng chỉ cần nửa ngày là thoải mái khám phá nơi này cũng như vùng ven Bangkok. Chợ không quá lớn, đủ số lượng thuyền, nhà sàn, nhà nổi để có thể định nghĩa là chợ nổi. Ấn tượng ban đầu khi mình đặt chân tới chợ là lối vào với vòm cổng màu xanh. Là sắc xanh của những khóm cây, những tán cây, những tàu lá dừa cong cong. Mình thấy có chút hao hao cách trang trí cổng đám cưới ở miền tây. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả tinh hoa của Taling Chan. Một khu chợ mang đúng chất địa phương. Đi sâu vào phía bên trong là vô vàn những món ăn địa phương từ bánh trái, hải sản mang đậm hương vị đặc trưng của ẩm thực địa phương cùng những mặt hàng thủ công truyền thống. Bánh nếp (mình không rõ tên nên gọi vậy), bánh xèo ở Taling Chan khá ngon và đậm vị, rất đáng để trải nghiệm. Những chiếc thuyền vừa là nơi bày bán, cũng là nơi chế biến đồ ăn của những đầu bếp địa phương. Bạn cũng có thể dùng bữa trưa dưới mái lá của khu nhà nổi và nhìn ngắm dòng sông lững lờ trôi. Khu chợ ven sông này cũng không quá đông. Với bản thân mình thì đó là một điều may mắn. Sự phát triển nhanh của du lịch Thái Lan khiến cho những khu chợ quá nổi tiếng trở nên đông đúc, ngột ngạt và dần mất đi chất riêng, khiến lữ khách không còn cảm nhận được cái thật nữa. Và có một trải nghiệm mà bạn đừng nên bỏ lỡ khi đến Taling Chan. Dùng bữa trưa xong hãy thử bước xuống chiếc xuồng nhỏ và xuôi dòng tham quan một vòng vùng ngoại ô sông nước. Lạc trôi theo dòng nước, bạn sẽ được nhìn ngắm cuộc sống của người dân vùng sông nước, ngắm những mái nhà, tham quan những ngôi chùa địa phương. Với tốc độ đô thị hóa của Bangkok, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch Thái Lan thì cũng có thể một thời gian nữa những khu chợ như Taling Chan sẽ không còn giữ được những chất rất "địa phương" nữa. Thiết nghĩ nếu bạn có hứng thú với Taling Chan thì hãy cố gắng tới trải nghiệm trong thời gian sớm nhất trước khi nơi này bắt đầu thay đổi.
2. Chợ Máy Bay Chang Chui.
Nằm trên đường Sirindhorn, Quận Bang Phlat, Bangkok. Khu chợ thu hút sự chú ý bởi highlight là một chiếc máy bay cũ cỡ trung. Bước vào đến cánh cổng bạn sẽ có cảm thấy nơi này "không phải là chợ". Đây có lẽ là một công viên nhỏ hay là một triển lãm ngoài trời của những đồ phế thải. Từ những sạp hàng bán đồ lưu niệm, những quán coffee, nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng triển lãm và đến ngay cả xác chiếc máy bay sừng sững trước mắt đều là những vật liệu tái sử dụng. Khu chợ được thiết kế dựa trên phương châm "không có gì là vô dụng". Với một đứa yêu thích nghệ thuật đường phố như tôi thì nơi này rất rất đáng để lui tới và lui tới không chỉ một lần mà là rất nhiều lần.

Không gian, những góc quán, cửa hiệu tại nơi đây đều được tạo hình rất khác biệt dựa trên những ý tưởng sáng tạo mới mẻ, độc đáo. Những khung cửa kính, những tấm kim loại đã han rỉ, những ván gỗ đã sờn cũ, những vỏ lốp xe, hay những chiếc vỏ chai cũ, những thứ vật dụng quen thuộc thường ngày, tưởng chừng như bỏ đi, khi qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đã được hô biến thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, lạ mắt và lung linh nhiều sắc màu. Đồ cũ nhưng ý tưởng thì luôn đổi mới. Điều này bất chợt khiến tôi liên tưởng tới bản thân. Ừ đúng rồi, người vẫn cũ, vẫn là con người này của ngày hôm qua nhưng tư tưởng, suy nghĩ thì luôn phải đổi mới theo những chiều hướng tích cực hơn so với ngày hôm qua. Nếu bạn là người có trí tưởng tượng bay xa hay đơn giản bạn muốn tìm kiếm những cảm hứng mới, muốn thoát khỏi vòng quẩn quanh của những suy nghĩ lặp đi, lặp lại đầy nhàm chán thì có lẽ đây chính là một thiên đường dành cho bạn. Nói nơi này là thiên đường thì cũng không có gì gọi là phóng đại cả. Chang Chui là thiên đường của nghệ thuật, là bản doanh của những sáng tạo mới lạ, những ý tưởng bứt phá, táo bạo. Những con người tại khu chợ Chang Chui này họ không đơn thuần là những thương nhân, là những thợ thủ công thông thường mà họ chính là những những nghệ sĩ luôn hết lòng cống hiến cho nghệ thuật. Để tạo ra những vật phẩm trang trí, những chiếc áo thun, chiếc mũ, những chiếc ốp điện thoại lạ mắt, những món đồ cổ điển độc lạ hay những đôi giày độc quyền thì họ đều dốc sức, dành trọn tình cảm lên những sản phẩm của mình. Chang Chui chính là góc nhìn mới, là tác phẩm nghệ thuật đến từ niềm vui, cảm hứng và sự thông minh của con người.
Mình có ghé qua Niceshop 99 bán đồ handmade của một anh chủ người Chiang Rai (người Thái thường hay đọc là Chiềng Lai). Anh chủ shop vui tính, chất phác và vô cùng hào phóng. Chị nhân viên thì vẽ siêu siêu đẹp. Mua đồ xong, anh còn tặng mình một đống quà đem về.
Tiếp đó mình có rinh về thêm được chiếc áo thun được vẽ trực tiếp của một anh họa sĩ người Thái. Ngoài công việc chính là hội họa thì anh còn rất đam mê nhiếp ảnh và du lịch Khá giống mình. Có lẽ lần sau qua đây mình sẽ trò chuyện về những chuyến đi với anh nhiều hơn. Nơi này tồn tại một nhược điểm đó là dễ khiến mấy người yêu nghệ thuật như mình dễ rơi vào tình trạng cháy túi. Thiệt tình thấy thứ gì cũng muốn mua. Một nhược điểm hết sức đáng yêu đúng không
Lưu ý nho nhỏ tuy nơi này là chợ đêm nhưng theo mình các bạn nên tới đây sớm một chút khi trời còn sáng chụp ảnh sẽ đẹp và có nhiều góc check in hơn. Buổi tối nơi đây sẽ có nhạc sống, và có hẳn nhà hàng chuyên bán đồ ăn từ côn trùng. Chiếc máy bay giữa chợ cũng không đơn giản chỉ để trang trí, làm màu nhé. "Không có gì là vô dụng" cơ mà. Đây chính là một quán bar sôi động, xập xình trong tiếng nhạc, lung linh nhiều sắc màu.
Cách di chuyển:
Bạn có thể đi tàu hỏa, xe bus từ trung tâm thành phố. Nhưng theo mình thuận tiện nhất vẫn là đi grab.
Địa chỉ: Chang Chui Plane Night Market, Khwaeng Bang Phlat, Khet Bang Phlat, Krung Thep Maha Nakhon 10700, Thái Lan
Bạn có thể kết hợp đi Tanling Chan vào buổi sáng rồi bắt grab tới Chang Chui.

3. Chợ Container ART Box Bangkok.

Rời vùng ngoại ô, mình trở lại với Bạngkok nhộn nhịp. Không mang nét địa phương, yên bình như hai khu chợ trên, ART Box là khu ẩm thực, mua sắm được dựng lên từ những chiếc Container cũ và luôn nhộn nhịp, năng động khi đêm xuống. Đồ ăn và những món đồ tại nơi này thì mình không quá ấn tượng. Điều khiến mình thích thú khi tới ART Box là không khí rộn ràng khi cất lên tiếng đàn, tiếng hát của những "nghệ sĩ đường phố". Trải nghiệm uống bia và nghe "nhạc sống free" tại ART Box cũng là một hương vị khá thú vị cho chuyến đi Bangkok của bạn đúng không?
Một lưu ý: chợ Container ART Box sẽ có lịch mở cửa và địa điểm diễn ra thay đổi theo từng tháng khác nhau (mình đi là một khu vườn nhỏ gần trạm BTS Na Na). Bạn có thể cập nhật lịch và địa điểm tại fanpage của chợ nhé. https://www.facebook.com/Artboxthailand/
4. Chợ Pratunam
Nằm trên đường Petchburi, thuộc quận Ratchathewi. Khu vực đựa nhiều người Việt lựa chọn cho chuyến đi Bangkok. Bình minh chưa hé tại Bangkok thì khu chợ này đã bắt đầu hoạt động. Khách du lịch Việt ghé thăm nơi này khá nhiều. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì Pratunam là chợ đầu mối. Bạn sẽ mua được khá nhiều mặt hàng từ quần áo, giày dép, phụ kiện với mức giá tốt theo một quy tắc chung của dân buôn: "càng mua nhiều, càng được giảm giá". Cũng bởi vậy nên những bạn buôn hàng Thái Lan, hay tập tành đánh hàng khá ưu ái cho địa điểm này.
5. Chợ Đêm Ratchada Rot Fai.

Bạn đã từng nghe tới món "sườn non bộ" siêu cay khổng lồ và món hải sản xô chưa? Chợ đêm Ratchada chính là đại bản doanh của những món ăn trứ danh này. Cùng với tổ hợp nhà hàng, những quán bar nhỏ, những sạp đặc trưng thì tại Ratchada còn có một vài tiệm cắt tóc siêu ngầu cho các bạn nam nữa nhé.
Cách di chuyển: đi MRT tới trạm Thailand Cultural Centre.
6. Chợ Cuối Tuần Chatuchak.
Mình thường gọi tên thuần Việt cho khu chợ này là " Chắc Tui Chết". Đi bộ hết ngõ ngách của Chatuchak chắc mệt muốn chết thật đó. Là khu chợ lớn nhất mình từng thấy, với hơn 8000 gian hàng rực rỡ sắc màu, những biển hiệu san sát. Đi bộ khám phá "Chắc Tui Chết" đôi khi lầm tưởng mình đang ở trong một mê cung với vô vàn hàng hóa và cơ số người. Nói là mê cung, nhưng nơi này cũng khá dễ định hướng nên bạn cũng đừng lo lạc nhé, chỉ lo mải mua sắm quên lối về thôi. Cách di chuyển: đi BTS tới trạm Mochit hoặc đi MRT tới trạm Chatuchak Park. Vì chợ nằm sát trạm Mochit, nơi có chuyến bus A1, A2 ra sân bay Don Mueang nên bạn có thể dành thời gian ngày cuối cùng mua sắm tại Chatuchak rồi tiện đường bắt xe bus ra sân bay luôn. (Tại Chatuchak có tủ để đồ nhé, nên bạn cũng đừng quan ngại việc vừa mua sắm vừa lếch thếch kéo theo chiếc Vali).
Vậy là đã dạo qua một vòng "Chợ Bangkok". Vẫn còn cơ số khu chợ đang chờ mình khám phá. Những chuyến đi Bangkok tới mình sẽ cố gắng trải nghiệm thêm nhiều khu chợ nữa và review tiếp cho mọi người nhé.
Viết list ra để nhớ và đi tiếp nào: Chợ Jatujak Green, chợ Talad Rot Fai Srinakarin, chợ đêm Ramkhamhaeng, chợ đêm Hua Mum và chợ Talad Neon. Bạn đã khám phá chợ nào trong list trên chưa. Nếu đã trải nghiệm thì có thể chia sẻ cho mình nữa nhé. Cảm ơn bạn đã đọc tới dòng cuối cùng.