Cẩm Nang Du Lịch Myanmar

Myanmar xứ sở của những người đàn ông “mặc váy”, của những vòng Thanaka trắng ngà trên những gương mặt hồn hậu, là nơi có những con người nhai trầu như người ta ăn chewing gum và là vương quốc của những trái tim sùng đạo, hướng phật với hằng hà sa số những ngọn tháp, những ngôi đền. Sau ba thập kỷ đóng cửa và hoàn toàn biệt lập với bên ngoài, bị các nước phương Tây cấm vận, Myanmar (hay Miến Điện, Burma - mình thích cái tên Burma hơn) được mệnh danh như “một thế giới khác”. Cũng chính bởi điều này nên ngay từ khi Burma mở cửa hội nhập, lữ khách quốc tế đã rầm rập hướng tới để thoả mãn sự tò mò kéo dài đã nhiều năm.


1. Đôi dòng về Myanmar
(Dựa trên wikipedia và những trải nghiệm thực tế của bản thân)
Ngay từ thuở sơ khai ban đầu, Myanmar là sự hội tụ của nhiều tộc người trong đó có tộc người Môn di cư từ Thái Lan, bộ lạc người Puy đến từ Tây Tạng, người Shan từ Vân Nam - Trung Quốc. Những bộ tộc này cùng sinh sống trên vùng châu thổ sông Ayeyarwady dưới sự cai trị của người Bamar (người Miến) trong một quãng thời gian kéo dài nhiều thế kỷ. Vương quốc Bamar hình thành từ khoảng thế kỷ thứ 9 sau Công Nguyên, đóng đô tại Bagan với ba đế chế thịnh trị. Trong thời kỳ thịnh trị vương quốc Bamar đã đạt được nhiều chiến tích như chiếm đóng nhiều thành trì vững chãi của người Xiêm (người Thái) như Chiang Mai, Ayutthaya. Mở rộng vùng lãnh thổ trải dài qua những vùng đất thuộc các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bhutan và Bangladesh bây giờ. Đến thời vua Bagyidaw, ông tiếp tục đánh chiếm Assam của Ấn Độ, vốn gần vùng dất do thực dân Anh cai trị. Chính điều này đã là cái cớ để châm ngòi cho dã tâm xâm lược Miến Điện của người Anh. Năm 1824 Miến Điện chính thức trở thành thuộc địa của người Anh. Trải qua gần một thế kỷ với nhiều cuộc đấu tranh giành tự do, vào năm 1948 Miến Điện chính thức trở thành một quốc gia độc lập với tên gọi Liên bang Burma. Trong thời kỳ này chính sách bế quan toả cảng, từ chối mọi nguồn viện trợ cùng với cơ chế bao cấp đã khiến đời sống nhân dân Burma dần rơi vào kiệt quệ. Nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình liên tiếp bùng nổ. Trong đó tiêu biểu là cuộc nổi dậy 888 (ngày 08/08/1988), cuộc nổi dậy thất bại và nhiều người bị giết, bỏ tù, số còn lại phải đi tị nạn ở các quốc gia khác. Trước những hành động ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân quyền của chính phủ Burma, từ thập niên 90 đến đầu năm 2000 Mỹ cùng với những quốc gia phương Tây lần lượt ban lệnh cấm vận, đầu tư kinh tế vào Myanmar. Tháng 07 năm 1997 Burma gia nhập khối ASSEAN mở đầu cho quá trình hội nhập. Quan hệ giữa Burma với các nước bạn dần được cải thiện và sự căng thẳng giữa Myanmar với Mỹ cũng như các cường quốc phương Tây dần được xoa dịu. Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận đối với Burma vào năm 2013. Năm 2010 Burma chính thức đổi tên thành Cộng Hoà Liên Bang Myanmar. Năm 2013 Myanmar đã có hiệp định miễn thị thực cho công dân Việt Nam được phép lưu trú với thời hạn không quá 14 ngày.






Người dân Myanmar thân thiện, hiếu khách, sùng đạo nhưng cũng rất cứng rắn nếu cần thiết. Có đến 90 % dân số Myanmar theo dòng phật giáo Nam tông (phật giáo nguyên thuỷ). Các nhà sư nhận được sự tôn kính tột bậc của dân chúng và họ đóng vai trò quan trọng trong xã hội Myanmar. Sáng sớm thường nhật, các nhà sư trong bộ áo choàng màu cam nghệ thường đi khất thực. Khi nhận đồ khất thực họ thường có gì ăn nấy, không phân biệt đồ mặn hay đồ chay và họ chỉ ăn trước 12 giờ trưa và tuyệt nhiên họ không ăn gì từ chiều đến tối. Mình chắc chắn trong những ngày ở Myanmar sẽ có đôi lần bạn gặp nhà sư khất thực, hãy vui vẻ thực hiện vì đây là nghĩa cử nên làm khi đến Myanmar. Người Myanmar quan niệm mỗi ngày họ nên làm ít nhất một việc tốt. Thêm một lưu ý khi đưa đồ cho nhà sư hay với bất cứ người dân Myanmar nào thì bạn nên đưa bằng hai tay hoặc bằng tay phải và dùng tay trái đỡ cổ tay phải theo một phép lịch sự lịch thiệp. Myanmar là vùng dất của bộ trang phục màu mè, thời trang lạc loài, của những người đàn ông mặc longi, sau một vài giờ họ sẽ mở “váy” ra quấn lại cho chặt. Tất nhiên họ thực hiện rất nhanh và thành thục nên bạn sẽ chẳng phát hiện được gì đâu nhé. Phụ nữ và trẻ em có thói quen thoa Thanaka trắng ngà lên mặt và nhấn đậm ở hai gò má. Với họ thì loại bột làm từ vỏ cây họ chanh được mài mịn này như là một loại mỹ phẩm giúp da bớt dầu, giúp da mịn, mát trước cái nắng cháy mặt người của xứ chùa tháp. Điểm chung của số đông người dân Myanmar mà mình nhận thấy đó là họ luôn giữ thói quen mang cặp lồng dù là đi học hay đi làm. Thêm một điểm chung nữa là hầu hết người dân họ đều nhai trầu. Đi bộ trên những con đường tại Yangon, Mandalay hay Bagan thì chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều bãi nước bọt khô cứng, đỏ thẫm sắc trầu trên vỉa hè. Những ngôi chùa tại Myanmar không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng, cầu nguyện. Người dân xem việc quét chùa là một niềm vui. Những đôi tình nhân trẻ họ hẹn hò nhau ở chùa, hồn hậu cầu nguyện và cùng quét chùa. Đi giày, dép vào đền, chùa tại Myanmar là một điều đại kỵ. Bạn nên gửi giày, dép tại ngay lối vào. Sẽ có người trông coi giùm bạn. Khi ra về bạn có thể bồi dưỡng cho họ 200 Kyat hoặc một nụ cười hiền hậu cũng được.


Myanmar có diện tích hơn 678.000 km2, gấp đôi Việt Nam với đường biên giới trải dài gần bảy vĩ độ tạo nên sự đa dạng sinh học trong thảm thực vật tự nhiên. Mẹ thiên nhiên đã ưu ái cho Myanmar hai món sản vật quý đó là gỗ tếch và hồng ngọc. Thành phẩm nổi bật của hai nguồn tài nguyên này chính cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới mang tên U Bein tại Mandalay và những sản phẩm chế tác từ đá quý tại chợ Bogyoke Aung San tại Yangon.
Những ngôi nhà thâm thấp tại Yangon, những sạp hành tạp hoá cũ kỹ, những bộ đồ lỗi thời, những chiếc xe hơi đời cũ của nhiều thập kỷ trước, chính những hình ảnh này đã khiến tôi liên tưởng về hình bóng Việt Nam thời kỳ tem phiếu, đói nghèo. Chỉ cầu ăn no, không dám cầu ăn ngon. Chỉ mong mặc ấm, không mong mặc đẹp. Khung cảnh ấy như đang hiện hữu trước mắt một chàng trai 9x, chứ không phải qua lời kể của các bậc tiền bối, hay những thước phim tư liệu tôi từng xem. Có lẽ giấc ngủ quên dài dài của Myanmar vô hình chung đã đem tới những giá trị hoài cổ, hiếm hoi cho lữ khách quốc tế. Khi mà trong thời đại nền công nghiệp 4.0 bùng nổ, khi mà người đời đang dần bội thực với những nền văn minh hiện đại thì ở đâu đó vẫn tồn tại một miền đất lưu giữ ký ức, một khoảng trống để ta tìm về quá khứ. Ta tìm thấy cái thi vị trong sự lạc hậu của nước bạn. Có lẽ đó chính là thu hoạch lớn nhất chuyến đi này của tôi. Nếu bạn đang ấp ủ chuyến đi khám phá Myanmar thì nên cố gắng thực hiện càng sớm càng tốt, kẻo một thời gian nữa họ phát triển rồi thì sẽ không còn những dư vị như vậy nữa đâu.




2. Cẩm Nang Du Lịch Myanmar
Lịch trình gợi ý:
Ngày 1: đáp chuyến bay tới Yangon và đi bus đêm tới Mandalay
Ngày 2: Mandalay
Ngày 3,4,5: Bagan
Ngày 6: Yangon
(bạn có thể đi Bagan trước rồi tới Mandalay sau đó về lại Yangon cũng đều ok nhé)
Vé máy bay: Tới Myanmar bạn có thể lựa chọn chuyến bay thẳng từ Hà Nội, Sài Gòn tới Yangon. Có hai hãng bay thẳng là Vietjet và VNA. Theo kinh nghiệm của bản thân nếu bạn xác định bay Vietjet tới Yangon rồi di chuyển ra bến xe đi xe bus đêm tới Bagan hay Mandalay thì nên đặt chuyến muộn nhất nhé. Thứ nhất do đường xá tại Yangon rất hay ùn tắc, thứ hai là do Vietjet rất hay delay. (mình bay chuyến chiều đi thì không bị, chiều về thì delay mất gần 1 tiếng).
Nhập cảnh: Sân bay Yangon mới nhưng không quá lớn. Nhập cảnh khá nhanh và KHÔNG PHẢI điền tờ khai nhập cảnh nhé.
Đổi tiền + Sim 4G: Đơn vị tiền tệ của Myanmar là Kyat (gọi là chạt), 01 Kyat gấp khoảng gần 17 lần 01 VNĐ. Mình đổi tiền ngay tại sân bay Yangon, bạn nên mang USD rồi qua đó đổi nhé. Lưu ý USD phải thật mới, không có bất cứ vết gấp, vết bẩn nào thì họ mới đồng ý trao đổi. Vậy mà mấy ngày ở Myanmar mình toàn phải tiêu toàn tờ Kyat cũ rích và như sắp bở ra vậy (bất công).
Sim 4G: mình mua của nhà mạng Mytel ngay tại sân bay. Sẽ có nhiều loại sim với nhiều gói dung lượng để bạn lựa chọn. Mình mua gói 4 GB data, đủ dùng cho 6 ngày và sóng sánh rất ổn định.

Di chuyển:Những điểm đến tại Myanmar cách nhau rất xa và những chuyến bay nội địa Myanmar giá cực kỳ đắt đỏ. Do vậy phương thức di chuyển ưu việt giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc nhất là những chuyến xe đêm.
Bến xe tại Yangon: Aung Mingalar
Bến xe tại Mandalay: Kywel Sel Kan
Bến xe tại Bagan: Bagan Shwe Pyi

Từ Yangon đến Mandalay và Từ Bagan về lại Yangon mình đi xe bus giường nằm của hãng Mandalar. Trên xe có phục vụ nước uống, cafe, bánh ngọt, chăn ấm, đồ vệ sinh cá nhân và có máy tính bảng để giải trí, chỗ sạc pin điện thoại. Bus rất sạch, thoáng và chất lượng rất tốt (chưa ngồi máy bay hạng thương gia như mình thì có thể trải nghiệm cái bus này này :D). Bạn nên mang theo áo khoác mỏng vì trên xe họ bật điều hòa khá lạnh.Có thể mua trực vé tiếp tại nhà xe, mua online trên wed hãng hoặc trang 12go.asia mình hay đặt. Giá khoảng 20USD/chiều. Link đặt vé: https://12go.asia

- Từ Mandalay đi Bagan: mình nhờ khách sạn đặt trước 1 ngày. Hãng Ok express, xe chạy khoảng gần 5 tiếng thì tới Bagan. Xe nhỏ 16 chỗ, ghế ngồi và hành lý để dưới chân. Phần lớn xe di chuyển giữa hai địa điểm này đều nhỏ như vậy, nhưng bù lại cảnh sắc hai bên đường đi rất đẹp.

- di chuyển tại Mandalay: mình di chuyển chủ yếu bằng Tuk Tuk. Không phải chỉ ở Bangkok mới có đặc sản này nhé. Tuk Tuk ở Mandalay sạc, mới, không chạy ẩu như Bangkok và tuyệt vời hơn hết là có thể book qua grab.

- di chuyển ở Bagan: mình thuê xe điện ebike tại khách sạn với giá 6.000kyat/ ngày. Khuyên chân thành mọi người nên thuê xe điện chứ đừng nên đi xe đạp nhé. Vì đường Bagan phần lớn là đường đất bụi, mấp mô và rất tối.

- di chuyển tại Yangon: chỉ có grab taxi thôi. Đường Yangon tuyệt nhiên không có bóng dáng chiếc xe máy nào cả.

Ẩm Thực: Cảm nhận của mình về ẩm thực Myanmar nhìn chung khá mặn, cay và dầu mỡ.Bạn có thể trải nghiệm một số món ăn đặc trưng của Myanmar:

- Salad lá trà: món ăn nổi tiếng nhất Myanmar với gia vị đặc biệt từ lá trà được ủ lên men, pha trộn cùng với bắp cải thái sợi, cà chua, tỏi, ớt và các loại đậu.
- Bún cá Mohiga: món bún với nước lèo sền sệt, những miếng chả cá thái nhỏ cùng với thảo mộc và hành lá. Món ăn đậm vị và khá ngon. Mình có ăn thử tại một quán trong hẻm ở China Town - Yangon và rất ưng.
- Mỳ Shan: hơi giống bún xào của Việt Nam với những lát đậu phụ thái nhỏ. Điểm đặc trưng của món ăn nằm ở chỗ đậu phụ được làm từ đậu xanh chứ không phải đậu nành.
- Trà Sữa Myanamar: mình sẽ để đây và không nói gì, mọi người hãy thử và cảm nhận nhé.
- Về recommend những quán ăn có lẽ mình chỉ đề xuất với mọi người quán San Thi Da ở Bagan. Đồ ăn thì không quá đặc biệt nhưng ông bà chủ quán rất vui tính, thân thiện và hào sảng. Mình có ghé quán 2 lần, lần đầu bác trai tặng mình một ly nước ép. Lần thứ hai bác gái mời mình nguyên đĩa lemon salad. Mình hỏi trêu bác: sao bác mời con nhiều vậy? Bác chỉ cười bảo: “ Vì con có bộ râu đẹp” Đoạn này hơi phổng mũi, thì ra bộ râu của tui cũng có lúc “ăn tiền” chứ bộ :D. Thôi tự sướng vậy đủ rồi. Vậy là bạn đã rõ tại sao một quán bình dân nhỏ nằm lọt thỏm ở thị trấn vắng vẻ này lại được Trip Adviser đánh giá cao như vậy rồi chứ.

Khách sạn:
- Tại Mandalay mình ở Unity hotel thuộc khu trung tâm Mandalay. Di chuyển thuận tiện và gần đó có một tiệm bán sữa chua dâu Hsipaw rất ngon. Điểm trừ của khách sạn là phòng hơi nồng mùi thuốc tẩy.
- Tại Bagan: Mình ở BaobaBed Hostel thuộc Old Bagan. Sẵn mình chia sẻ luôn. Bagan được chia làm 3 khu vực chính là Old Bagan, New Bagan và thị trấn Nyaung -U. Trong đó Old Bagan và New Bagan là hai khu vực tập trung nhiều đền đài nhất.
Sơ bộ hành trang chuyến đi là vậy, mình sẽ có bài viết cụ thể cho từng điểm đến nhé.